Tâm sự nghề BrSE

we are vareal

2021.05.15

Lời mở đầu

Cùng với sự gia tăng đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là các công ty Nhật Bản trong lĩnh vực IT, công việc Kỹ sư cầu nối (BrSE) đã xuất hiện. Công việc này được một số bạn quan tâm vì mức thu nhập khá và môi trường làm việc thú vị. Tuy nhiên, đây cũng là một công việc đầy thử thách và bạn cần rất nhiều nỗ lực để làm tốt. Bạn quan tâm đến vị trí BrSE? Bạn đang tìm cho mình một con đường phát triển trong ngành IT? Hay đơn giản là bạn đã xác định mục tiêu trở thành BrSE và cần nhiều hơn thông tin về vị trí này? Hãy cùng mình tìm hiểu qua bài viết này nhé !

BrSE có thể được hiểu là Bridge Software Engineer hoặc Bridge System Engineer. Mình thích cách hiểu thứ hai hơn. Ở đó nó yêu cầu BrSE vừa phải là một System Engineer (Kỹ sư hệ thống) vừa là một Bridge (Cầu nối).

1. Hoàn thành vai trò của một System Engineer (Kỹ sư hệ thống)

Là một System Engineer, bạn phải nắm được tổng thể của hệ thống, đi từ mức cao nhất là mục đích của hệ thống cho đến specs của các chức năng chính với các mối liên quan.

Trước tiên, tại sao mình lại cho rằng việc hiểu mục đích của hệ thống rất quan trọng? Một hệ thống hay một dự án có thành công hay không phụ thuộc vào việc nó có đáp ứng được mục tiêu xây dựng hệ thống của khách hàng hay không. Là một kỹ sư cầu nối, để biết mục tiêu có đạt được hay không, chúng mình có thể đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi sau:

  • Khi sử dụng hệ thống, hiệu suất công việc của khách hàng có được nâng cao hay không?
  • Nó có phải là một hệ thống đáng tin cậy, tiện lợi, đem lại lợi ích cho khách hàng hay không ? 
  • Hay nó có phải là những giá trị cốt lõi mà bất cứ một khách hàng nào cũng hướng tới?

Thứ nữa, là một System Engineer, để xây dựng hệ thống đáp ứng được mục tiêu kinh doanh của khách hàng, bạn luôn cần có một cái nhìn tổng thể về hệ thống. Bạn là người truyền đạt cho các thành viên trong nhóm của mình specs để xây dựng hệ thống. Trong quá trình phát triển, bạn có thể không nhớ rõ từng specs chi tiết, không sao, việc này đã có các tài liệu specs, các Q&A…nhưng bạn cần nắm được tổng quan chung với các chức năng chính và mối quan hệ giữa chúng để đảm bảo hệ thống không đi chệch hướng so với mục tiêu. Cũng có thể nói, công việc của một BrSE có chút tương đồng với PO (Product Owner) phải không?

Bạn cũng cần nắm được tình hình chung của dự án, các thành viên không chỉ về tiến độ mà còn về cách để thúc đẩy họ.

2. Hoành thành vai trò của một Bridge (Cầu nối)

Ngoài ra, việc kết nối và truyền tải thông tin giữa các bên cũng là vai trò quan trọng của BrSE. Trước hết, bạn phải là cầu nối đáng tin cậy với việc đảm bảo truyền đạt chính xác thông tin qua lại giữa nhóm phát triển người Việt và các PM, khách hàng người Nhật. Tuy nhiên, trong thực tế không phải việc truyền đạt thông tin luôn diễn ra suôn sẻ. Trong quá trình làm việc, bất đồng quan điểm là chuyện tất nhiên sẽ xảy ra, và chính những bất đồng đó khiến chúng ta hiểu nhau hơn để cùng hướng đến mục tiêu chung là hoàn thiện sản phẩm ở mức tốt nhất. Việc bất đồng quan điểm này có thể xuất phát từ sự khác biệt về văn hóa giữa hai bên, cũng có thể là từ góc nhìn và vai trò của từng bên. Và chính những lúc như vậy, BrSE chúng mình cần vận dụng hết sự khéo léo, linh hoạt và tinh tế để mang lại hiệu quả trong quá trình giao tiếp, truyền đạt thông tin. Ví dụ, nếu đã từng làm việc nhiều với khách hàng Nhật Bản, chắc chắn bạn không còn xa lạ gì với QCD. Đây được coi là công cụ đo lường và quản trị chất lượng sản phẩm dịch vụ, mà tại đó những khách hàng Nhật Bản được coi là rất-khó-tính luôn yêu cầu sản phẩm phải có Q (Quality)- Chất lượng, C (Cost)- Giá thành rẻ và D (Delivery)- Giao hàng nhanh. Tuy vậy, nhóm phát triển có những đặc trưng với những giới hạn riêng. Và việc bạn cân bằng được giữa yêu cầu, mong muốn của hai bên thực sự là một thử thách.

Mặt khác, “空気を読む” là một trong số những đặc trưng khi ta nói về người Nhật. Từ này thể hiện việc giao tiếp “như có như không” của người Nhật. Muốn đối phương hiểu nhưng lại không nói thẳng ra điều mình mong muốn, từ đó đối phương phải tự biết nghiền ngẫm và hiểu ý tứ ngầm ẩn trong câu nói. Đây chính là một chướng ngại khó nhằn với nhiều người học tiếng Nhật nói chung, và những người làm BrSE như chúng mình nói riêng. Bạn nghe 1 nhưng bắt buộc bạn phải hiểu 10, vậy nên mới nói đâu phải tự nhiên mà chúng mình được gọi là “cầu nối” đâu? Bạn cần rèn luyện cách đọc tình huống và thường xuyên hỏi để xác nhận lại vấn đề. Khách hàng sẽ hài lòng hơn nếu bạn suy nghĩ và đưa ra các đề xuất phù hợp đi kèm với phân tích ưu nhược điểm để họ lựa chọn thay vì yêu cầu chỉ dẫn từ họ.

3. Làm việc với tinh thần trách nhiệm

Một điều nữa là khách hàng người Nhật rất trọng chữ tín. Khi bạn đã tạo được niềm tin với họ, công việc sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Làm thế nào để có thể giành được niềm tin của họ? Không có câu trả lời chính xác tuyệt đối cho câu hỏi này. Nhưng xuất phát từ trải nghiệm cá nhân mình, có lẽ đó là “Tinh thần trách nhiệm“. Bởi mình nghĩ “Thái độ quan trọng hơn trình độ”

Có thể ban đầu bạn chưa giỏi về kỹ thuật, chưa biết cách đề xuất specs, giao tiếp tiếng Nhật còn hạn chế, hiệu suất làm việc của nhóm của bạn cũng chưa cao, nhưng bạn vẫn có thể được khách hàng tiếp tục tin tưởng hợp tác nếu bạn thể hiện được sự cố gắng cải thiện không ngừng của bạn và nhóm của bạn. Điều đó thể hiện ở việc bạn thực hiện báo cáo các sự cố hay chậm trễ đi kèm với các giải pháp khắc phục, bạn chuẩn bị tài liệu cẩn thận, gửi nội dung tóm tắt cuộc họp cho khách hàng trước mỗi cuộc họp, bạn trả lời khách hàng ngay khi họ đặt câu hỏi, trong trường hợp cần thiết là cả ngoài giờ làm việc. Với các câu hỏi bạn không có câu trả lời ngay, bạn đơn giản là trả lời khách hàng rằng bạn đã nhận được thông tin và sẽ kiểm tra lại. Trước các dịp nghỉ lễ hoặc khi bạn vắng mặt, hãy thông báo trước cho khách hàng và sắp xếp người thay thế nếu có thể. Chúng mình chỉ đang cố gắng nói với bạn rằng, Hard-skills (tiếng Nhật-kỹ thuật) quan trọng bao nhiêu, thì Soft-skills (kỹ năng giải quyết vấn đề linh hoạt, trách nhiệm) cũng đóng góp bấy nhiêu vào thành công của bạn trong công việc. Bạn có thấy như vậy không?

4. Làm việc nhóm

Cuối cùng, một bàn tay chẳng thể làm nên tiếng vỗ. BrSE chúng mình sẽ chẳng giúp dự án thành công được nếu không có sự phối hợp nhịp nhàng từ đội nhóm của mình. Hãy thực sự quan tâm đến các thành viên, giải quyết các vấn đề của họ như là vấn đề của chính mình vậy. Luôn luôn đảm bảo để các thành viên đáp ứng tốt các yêu cầu của công ty, dự án và khách hàng nhưng cũng luôn được đảm bảo các quyền lợi chính đáng. Có thể vào vai một người anh cả, một người chị gái hay đơn giản là một người bạn để đồng cảm và sẻ chia tâm tư với đồng đội của mình, đó ắt hẳn là một trải nghiệm đáng quý và cũng là cách mà bạn kết nối đồng đội của mình với nhau. Cách mà bạn làm một việc nhỏ chính là cách mà bạn làm tất cả mọi việc trong cuộc đời. Cách mà bạn đối xử với đồng đội chính là cách mà bạn tương tác và hỗ trợ dự án đi đến thành công. “Làm việc mình yêu – Yêu việc mình làm”- Đó chẳng phải là những gì chúng ta vẫn hay nghe thấy hay sao? Bạn muốn được làm việc trong một môi trường năng động, tôn trọng sự phát triển cá nhân và đề cao tính sáng tạo, thì đồng đội của bạn cũng như vậy. Hãy là một nhân tố dù nhỏ nhưng có ảnh hưởng để kiến tạo nên một môi trường lý tưởng như vậy. Kể cả trong các yêu cầu specs của hệ thống, hãy để họ đưa ra các tính năng mà họ nghĩ là phù hợp nhất, bạn lắng nghe và phân tích chúng cùng với họ. Cũng hãy chú ý tạo cho họ cơ hội và thử thách để họ được phát triển bản thân mình tốt nhất qua từng dự án các bạn làm với nhau nhé.

Tổng kết

Túm lại, BrSE cũng là một nghề làm dâu trăm họ, bạn hãy làm bất cứ điều gì bạn cho là cần thiết để giúp dự án thành công cũng như nhóm của bạn và khách hàng có được điều kiện làm việc tốt nhất. Làm được như thế là bạn đã nắm được chìa khóa để thành công trong sự nghiệp của mình.

Team BrSE chúng mình luôn hoan nghênh sự gia nhập của các bạn.

 

Tác giả: Nhóm BrSE

1 Comment

  1. I read this paragraph fully about the comparison of most up-to-date and earlier technologies, it’s awesome article.

    Also visit my web blog – pharmacie

Bình luận

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Liên hệ

0982 894 859

contact@vareal.vn

Địa chỉ

Tầng 14, tòa Richy, tổ 44, phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội

© 2021 Vareal Vietnam Co., Ltd. All rights reserved.